Ngày 16/3, Hiệu trưởng trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang viết thư gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đề nghị bỏ hai bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia 2020, chỉ giữ lại ba bài Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Lý do là học sinh đã nghỉ gần hai tháng phòng tránh Covid-19 và có thể còn nghỉ tiếp.
Đánh giá về đề xuất này, thầy Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Lâm Đồng), cho rằng bỏ hai bài thi tổ hợp sẽ gây bất công với học sinh. Mỗi em có thế mạnh riêng, em thiên về khoa học tự nhiên, em chọn khoa học xã hội. "Học sinh thường đầu tư trọng tâm cho môn sở trường ngay từ lớp 10, không học tốt các môn còn lại. Bây giờ chỉ thi Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh thì những em không có lợi thế sẽ thế nào?", thầy Chương đặt câu hỏi.
Hiệu trưởng Chương thử khảo sát một số đồng nghiệp có con đang học lớp 12 và nhận được phản hồi không ủng hộ. Họ cho rằng việc đột ngột thay đổi bài thi khiến sự đầu tư của cả gia đình những năm qua trở nên vô nghĩa.
Theo thầy Chương, thay vì bỏ hai bài tổ hợp thì nên chọn phương án xét tốt nghiệp dựa trên kết quả học tập THPT, dù Luật Giáo dục chưa cho phép. Nếu phương án này được áp dụng linh động cho năm nay sẽ giảm tải áp lực cho nhà trường và học sinh. "Trong bối cảnh chống dịch như chống giặc, các đề xuất cần phù hợp vào thực tiễn, hợp tình hợp lý thì mới có thể áp dụng", thầy Chương nói.
Không ủng hộ bỏ hai bài thi tổ hợp, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM), cho rằng ý nghĩa kỳ thi THPT quốc gia sẽ không còn nếu chỉ thi ba bài Toán, Văn, Ngoại ngữ. Kỳ thi phải đánh giá năng lực tổng quan của học sinh, không thể dựa vào một vài môn được cho là trọng yếu. Khi trường hoạt động trở lại, phần lớn học sinh lớp 12 sẽ "bỏ lơ" các môn còn lại.
Là giáo viên Lịch sử, cô Thảo chạnh lòng với đề xuất trên. "Nhiều năm gần đây, chúng ta đã nỗ lực đưa môn Sử nói riêng và các môn học xã hội về đúng vị trí quan trọng, ngang bằng với các môn học khác. Bỏ môn xã hội, những nền tảng mới xây sẽ bị phá bỏ", cô nói và đề xuất phương án kỳ thi THPT quốc gia tập trung nhiều kiến thức lớp 11 và học kỳ I của lớp 12.
Cũng không đồng tình bỏ bài thi tổ hợp, PGS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng Đại học Luật TP HCM, phân tích phần lớn trường sử dụng phương thức xét điểm thi THPT quốc gia để tuyển sinh với rất nhiều tổ hợp môn. Nếu chỉ thi ba môn, nhiều tổ hợp xét tuyển biến mất. Chưa kể, với những ngành Kỹ thuật, Y dược..., việc không có bài thi Khoa học tự nhiên sẽ rất khó tuyển sinh.
"Tuy nhiên, sự thiệt thòi lớn nhất nếu có thay đổi này sẽ thuộc về học sinh. Các em đã tập trung học các môn sở trường từ bé sẽ rất hụt hẫng", PGS Hải nói và đề xuất thay vì thêm bớt bài thi THPT quốc gia, nhà trường tăng cường dạy học trực tuyến, giúp học sinh ôn tập, đảm bảo nắm vững chương trình và theo kịp tiến độ sau khi học lại. Ngoài ra, kỳ thi THPT quốc gia năm nay nên được thiết kế gọn nhẹ, đề thi tập trung những vấn đề cốt lõi hơn.
Ở góc nhìn khác, PGS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng, cho rằng đề xuất của thầy Khang rất đáng để xem xét. Nếu đã đầu tư tốt cho việc học, học sinh đã nắm bắt chương trình thì việc thi cử nên nhẹ nhàng, giảm bớt bài thi là cần thiết. Điều quan trọng lúc này là đảm bảo học sinh được lĩnh hội đầy đủ kiến thức cơ bản của chương trình THPT. Bởi nhiều em không chọn con đường học tiếp mà sẽ sử dụng bằng tốt nghiệp THPT để vào đời.
Nhưng ông Phong không đồng tình việc chỉ giữ ba bài Toán, Văn, Tiếng Anh mà thay vào đó nên có sự lựa chọn mở. Học sinh có thể chọn Toán, Lý, Hóa hoặc chọn Văn, tiếng Anh, Sinh...
Ông Phong đề cao sự tự học trong lúc này, liên hệ đến phương án giáo dục hàm thụ trước năm 1975 mình từng trải qua. Học sinh tự đọc sách, tài liệu và tham gia các kỳ thi. "Bây giờ có nhiều điều kiện hơn, học online, học qua truyền hình, các kho học liệu. Nhà trường phải năng động, phụ huynh phải chia sẻ công việc và học sinh phải nỗ lực hơn", ông nói.
Học sinh tại TP HCM Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog dự kỳ thi THPT quốc gia tháng 6/2019. Ảnh: Quỳnh Trần. |
TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo (Đại học Nha Trang) lại ủng hộ quan điểm của thầy Khang. Những năm gần đây, tỷ lệ tốt nghiệp luôn 95-97%. Xét tổng thể, đa phần học sinh THPT có năng lực đủ để tốt nghiệp. Việc đánh giá học sinh cũng là quá trình ba năm học chứ không chỉ ở một vài bài thi THPT quốc gia. "Nên xem xét cắt giảm bài thi bên cạnh việc cắt giảm chương trình, nếu chúng ta không thể dừng hoặc có hình thức khác thay thế kỳ thi THPT quốc gia trong năm nay", ông Phương nói.
Với việc cắt giảm, theo TS Phương, công tác tuyển sinh đại học không bị ảnh hưởng nhiều vì hai lý do: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh là những môn cốt lõi đánh giá học sinh đủ năng lực học đại học; tổ hợp D00 (Toán, Văn, tiếng Anh) xuất hiện ở hầu hết ngành xét tuyển. Ngoài ra, các trường hiện sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh: xét học bạ THPT, học bạ lớp 12, điểm thi đánh giá năng lực hoặc kết hợp nhiều phương thức. Việc mất hai bài thi Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên không ảnh hưởng nhiều đến quá trình tuyển chọn thí sinh.
Chiều 17/3, phản hồi về đề xuất của thầy Nguyễn Xuân Khang, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định trong điều kiện hiện nay, kỳ thi THPT quốc gia vẫn sẽ được giữ ổn định như năm 2019. Kết quả kỳ thi dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương và làm cơ sở tuyển sinh đại học. Do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải nghỉ học dài ngày, Bộ sẽ giảm tải chương trình và công bố đề thi tham khảo.
Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết, sau đó nghỉ phòng Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần thứ hai lùi thời điểm kết thúc năm học 2019-2020 đến trước 15/7, lùi kỳ thi THPT quốc gia đến 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với năm trước.
Theo quy định, để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, học sinh lớp 12 phải thi ba bài Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn một trong hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Hóa, Lý, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét